Trẻ trớ nhiều cặn sữa, phải làm sao?

Trẻ sơ sinh đến 6 tháng tuổi thường xuất hiện tình trạng trớ sữa, đặc biệt, khi trớ thường xuất hiện nhiều cặn sữa. Vậy hiện tượng trớ nhiều cặn sữa ở trẻ nguyên nhân do đâu? Làm thế nào để loại bỏ cặn sữa trong miệng trẻ sơ sinh? Trớ nhiều cặn sữa có nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ không? Hallo Baby giúp ba mẹ giải đáp thắc mắc trong bài viết dưới đây!

 Tình trạng trớ nhiều cặn sữa ở trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh trớ nhiều cặn sữa không phải hiện tượng hiếm gặp, hiện tượng này có thể kéo dài đến 12 tuổi.

  • Nôn là hiện tượng vọt chất lỏng, trào ngược từ dạ dày, “phun” ra ngoài do các rối loạn về hệ tiêu hoá.

  • Trớ là hiện tượng trào một lượng nhỏ thức ăn hoặc sữa trong khi ăn hoặc ngay sau khi ăn, không có tình trạng “nôn vọt thành dòng”. Đây là hiện tượng sinh lý mà đa số trẻ gặp phải do cấu trúc hệ tiêu hoá của trẻ chưa được hoàn thiện hoặc khi trẻ ăn quá no.

Cặn sữa (sữa vón cục) là gì? Cặn sữa hay sữa vón cục là sữa đã được tiêu hoá một phần trong dạ dày. Vì nguyên nhân nào đó mà trẻ ọc một lượng sữa từ dạ dày kèm theo dịch tiêu hoá - dịch nhớt kèm cặn sữa. 

Nếu hiện tượng này xảy ra với tần suất thấp (<3 lần/ngày), không gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá, hô hấp của trẻ thì ba mẹ không cần lo lắng, đây là hiện tượng sinh lý bình thường.

Ngược lại, nếu tình trạng trớ cặn sữa diễn ra thường xuyên hơn, khiến trẻ khó khăn về hô hấp: khò khè, khó thở kéo dài hay ảnh hưởng đến cân nặng: trẻ không tăng cân, tăng cân chậm, quấy khóc,... thì ba mẹ nên cho con đi khám để chẩn đoán vì có thể bé đang mắc trào ngược dạ dày - thực quản.

Nguyên nhân gây nên hiện tượng trớ nhiều cặn sữa ở trẻ sơ sinh

Nguyên nhân gây trớ nhiều cặn sữa ở trẻ sơ sinh được chia thành hai loại: nguyên nhân sinh lý và nguyên nhân bệnh lý

  1. Nguyên nhân sinh lý

  • Do cấu tạo của dạ dày trẻ sơ sinh nằm ngang, cao hơn so với người lớn, cấu tạo hệ tiêu hoá chưa hoàn chỉnh, còn non yếu nên rất dễ xảy ra hiện tượng trớ sau khi ăn.

  • Hoạt động của tâm vị dạ dày trẻ còn yếu, chính vì vậy, khi bé bú quá no hoặc mẹ thay đổi đột tư thế cho bú cũng làm ảnh hưởng đến trẻ, gây ra hiện tượng trớ nhiều cặn sữa ở trẻ sơ sinh.

  • Khi mẹ cho trẻ bú quá nhiều hoặc quá no gây nên tình trạng trớ ở trẻ do dạ dày không đủ sức chứa.

  • Trẻ dùng sữa công thức: Do sữa công thức khó tiêu hoá và cần thời gian tiêu hoá dài hơn sữa mẹ nên các bé uống sữa công thức cũng thường xuyên gặp tình trạng trớ nhiều cặn sữa bởi sữa chưa kịp tiêu hoá.

  1. Nguyên nhân bệnh lý

Một số bệnh lý thường gặp hệ tiêu hoá cũng gây nên tình trạng trớ nhiều cặn sữa ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, đối với tình trạng trớ cặn sữa bệnh lý, thường có một số đặc điểm như: trẻ trớ nhiều cặn sữa >3 lần/ngày, việc trớ nhiều cặn sữa kèm theo các triệu chứng khác đường hô hấp: ho, khò khè kéo dài,...Một số bệnh lý ảnh hưởng đến việc trớ nhiều cặn sữa ở trẻ sơ sinh như:

  • Trẻ mắc chứng khó tiêu: đây là nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng trớ nhiều cặn sữa ở trẻ sơ sinh. Do hệ tiêu hoá của trẻ còn yếu hoặc trẻ có thể dị ứng với protein trong sữa, hay bất dung nạp lactose có trong sữa mẹ hoặc sữa công thức.

  • Trẻ trào ngược dạ dày - thực quản: tình trạng này khá phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bình thường sữa đi từ miệng trẻ xuống thực quản, dạ dày, được tiêu hoá trong dạ dày và chuyển xuống từng chút một xuống ruột non để tái hấp thu và đào thải ra ngoài. Tuy nhiên, hệ tiêu hoá của trẻ còn non yếu dẫn đến xuất hiện những rối loạn co bóp, rối loạn nhu động ruột. Trẻ sẽ xuất hiện tình trạng trớ nhiều cặn sữa ở trẻ sơ sinh.

  • Hẹp môn vị: Môn vị là vị trí thức ăn, nước uống đi qua trước khi vào ruột non, khi trẻ hẹp môn vị bẩm sinh, thức ăn, sữa không di chuyển được xuống ruột non mà trào ngược lại lên thực quản gây ra tình trạng trớ nhiều cặn sữa ở trẻ sơ sinh.

Trẻ sơ sinh trớ nhiều cặn sữa có ảnh hưởng gì

Trớ nhiều cặn sữa ở trẻ sơ sinh là hiện tượng sinh lý bình thường trong trường hợp trẻ trớ ít hơn 3 lần/ngày, và không có ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá, hô hấp và sự thay đổi cân nặng của trẻ. Nếu trẻ trớ cặn sữa do nguyên nhân bệnh lý, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Việc trớ nhiều cặn sữa ở trẻ sơ sinh do nguyên nhân bệnh lý kéo dài khiến trẻ đau đớn, khó chịu, ảnh hưởng trực tiếp đến cân nặng: trẻ gầy còm, kém hấp thu, kém phát triển thể chất và trí tuệ, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn,...

Cách vệ sinh miệng cho trẻ sơ sinh

Khi trẻ trớ, ba mẹ cần bình tĩnh để xử lý tình huống theo các lưu ý dưới đây:

  1. Không được bế thốc trẻ, hãy chuyển từ từ tư thế của trẻ nghiêng phải hoặc trái để sữa chảy ra ngoài theo dòng, tránh trường hợp sặc sữa lên mũi hoặc phổi.

  2. Lấy khăn mềm, sạch lau nhẹ nhàng miệng để loại bỏ cặn sữa còn mắc trong miệng trẻ. Thay toàn bộ khăn, quần áo cho trẻ tránh mùi hôi, ẩm ướt khó chịu.

  3. Để ý và theo dõi dịch trớ của trẻ: dịch trớ bình thường bao gồm cặn sữa trắng và dịch tiêu hoá trong, nhầy.

  4. Sau khi trẻ trớ, mẹ nên cho trẻ bú sau ít nhất 30 phút.

  5. Trẻ bú xong không để trẻ nằm luôn, mà nên bế bé một lúc.

  6. Dùng men vi sinh cho trẻ đúng cách: Nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng trớ nhiều cặn sữa ở trẻ sơ sinh là do hệ tiêu hoá của trẻ chưa ổn định và còn yếu. Men vi sinh giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, giúp trẻ có một hệ tiêu hoá khoẻ mạnh và ổn định. Mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn để bổ sung men vi sinh cho trẻ đúng cách, đúng liều lượng.

Cách loại bỏ cặn sữa trong miệng trẻ sơ sinh

Mẹ cần vệ sinh miệng cho bé hàng ngày để tránh tình trạng cặn sữa bám trong miệng trẻ. Cặn sữa và dịch tiết bám trong miệng gây cho trẻ khó chịu, tạo điều kiện phát triển cho vi khuẩn gây nấm lưỡi, tưa lưỡi,...

  1. Thời điểm vệ sinh: Mẹ nên vệ sinh cho trẻ thường xuyên ngay sau khi ăn xong, cần lấy đi những cặn sữa còn bám lại trên lưỡi. Cặn sữa là những đốm nhỏ li ti màu trắng, có thể dễ dàng lấy đi bằng gạc sạch, có thể trôi khi trẻ nuốt nước bọt, không bám chặt vào niêm mạc lưỡi và không gây đau đớn cho trẻ. Cặn sữa bám lưỡi thường do thói quen ngậm sữa khi ngủ. Đặc biệt, cặn sữa bám miệng thường gặp đối với trẻ dùng sữa công thức.

  2. Các bước vệ sinh cho trẻ:

  • Mẹ rửa tay thật sạch bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn.

  • Mẹ đặt trẻ lên đùi hoặc có thể cho trẻ nằm trên giường, nôi…

  • Mẹ quấn gạc sạch quanh ngón trẻ hoặc sử dụng gạc đánh tưa lưỡi chuyên dụng

  • Nhúng ngón tay quấn gạc vào nước đun sôi để nguội hoặc nước muối sinh lý dành riêng cho trẻ sơ sinh, mẹ đưa tay vào môi dưới để kích thích trẻ mở miệng.

  • Sau đó, mẹ đưa dần dần và nhẹ nhàng tay lau sạch nướu, miệng của trẻ. Tránh đưa tay vào quá sâu gây kích thích trẻ nôn trớ

  • Mẹ không tẩm dung dịch như: mật ong, nước đường, nước muối tự pha để lau miệng cho trẻ.

  • Đặt ngón tay vào dưới gốc lưỡi để kéo toàn bộ cặn sữa ra bên ngoài.

 

icon icon